Cùng tham dự có bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục Unicef tại Việt Nam; tổ chức quốc tế VVOB tại Việt Nam và trên 60 đại biểu là chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam một số cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), lãnh đạo và giảng viên mầm non một số trường Cao đẳng, Đại học tại Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Phú Thọ, Nha Trang, Đại học Quốc gia HN và cán bộ quản lý, giáo viên mầm non Hà Nội, Gia Lai.
Được biết, trẻ em giai đoạn 0 - 8 tuổi là giai đoạn vàng của sự phát triển. Phát triển trẻ thơ toàn diện, trong đó nổi bật là giáo dục mầm non, ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt ngày 29/10/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định Phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025.
Trong những năm qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) đã có những hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với giáo dục mầm non (GDMN) Việt Nam như xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non; Xây dựng trình Chính phủ ban hành Đề án Phát triển GDMN đến năm 2025; Thông tư số 28/2016 ban hành Chương trình GDMN điều chỉnh; Thích nghi và định chuẩn Việt Nam Bộ công cụ ASQ để đưa vào hỗ trợ phát hiện sớm, can thiệp sớm trong các cơ sở GDMN...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh về vai trò của Thang đánh giá Phát triển trẻ thơ khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Thang đánh giá là chương trình trắc nghiệm nghiêm túc đầu tiên có bối cảnh cụ thể về phát triển trẻ thơ được xây dựng cho trẻ từ 3 - 5 tuổi trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Thang đánh giá đã được thích ứng, nghiên cứu thử nghiệm ở 6 quốc gia trong khu vực (Campuchia, Trung Quốc, Mông Cổ, Papua New Guinea, Đông Timor, Vanuatu). Thang đánh giá đang được điều chỉnh, thích ứng sang phiên bản Tiếng Việt, việc hoàn thiện Thang đánh giá hứa hẹn sẽ là một bộ công cụ có giá trị sử dụng trong việc đánh giá sự phát triển toàn diện trẻ thơ lứa tuổi 3 – 5 tuổi và là công cụ đo lường tác động của các chính sách, chương trình, kế hoạch và những tác động giáo dục quốc gia để hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách giáo dục trong bối cảnh phát triển trẻ thơ ở Việt Nam.
Tại đây, các đại biểu tham dự Hội thảo được lắng nghe và chia sẻ nhiều nội dung quan trọng về Thích ứng thang đánh giá Phát triển trẻ thơ (PTTT) cho trẻ từ ba đến năm tuổi. Các đại biểu trao đổi, thảo luận và góp ý cho những kết quả mà nhóm chuyên gia đã thực hiện trong thời gian vừa qua như quá trình và kết quả điều chỉnh, thích ứng Thang đánh giá phát triển trẻ thơ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam; Kết quả thử nghiệm Thang đánh giá tại Hà Nội, Gia Lai và nội dung bộ công cụ đã điều chỉnh. Bên cạnh những ý kiến thảo luận về kết quả điều chỉnh, thích ứng và thử nghiệm, các đại biểu cũng tham vấn về việc hoàn thiện và sử dụng Thang đánh giá trong các cơ sở giáo dục mầm non ở Việt Nam và các mục tiêu vận động chính sách giáo dục mầm non.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng vụ Giáo dục Mầm non đánh giá cao thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, tâm huyết và giàu kinh nghiệm của nhóm chuyên gia điều chỉnh Thang đánh giá trong thời gian vừa qua và sự tham gia tích cực của các đại biểu tham dự Hội thảo. Ông Nguyễn Bá Minh cho rằng, kết quả của Hội thảo giúp nhóm chuyên gia tiếp tục thích ứng và triển khai thực hiện Thang đánh giá trong thời gian tới. Nhân dịp này, Bộ GDĐT cũng đề xuất với Unicef khu vực tiếp tục hỗ trợ Việt Nam (1) Chuyển giao kỹ thuật và bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cốt cán VN về thu thập, xử lý số liệu, phân tích, đánh giá kết quả phát triển trẻ thơ toàn diện của Việt Nam, từ đó hoạch định các chính sách phù hợp với thực tiễn cho giai đoạn tiếp theo; (2) Triển khai thực hiện đánh giá theo thang đo tại một số tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền của Việt Nam;(3) Xây dựng Báo cáo đánh giá về sự phát triển trẻ thơ toàn diện của trẻ em Việt Nam từ 3 - 5 tuổi.
(Vụ Giáo dục mầm non)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn